Thợ điện bị điện giật chết!

21/08/2024
TIN TỨC

Hiện trường vụ tại nạn

Trong khi sửa bóng điện đường, ông Nguyễn Hữu Tài, SN 1967, thợ điện của Cty TNHH Nhà nước một thành viên chiếu sáng và thiết bị đô thị (Cty HAPULICO) bị điện giật gây tử vong.

Liên quan đến đôi găng tay

Trong lúc đang loay hoay lắp bóng đèn cao áp trên cột điện trước số nhà 87, ngõ 351, đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Ông Tài bị điện giật, gây tử vong ngay trên cột điện.

Theo các nhân chứng thuật lại, vào thời điểm trên, ông Nguyễn Hữu Tài và ông Phạm Kim Thịnh, đều là nhân viên của Cty HAPULICO trèo trên cột điện để lắp bóng đèn cao áp chiếu sáng trong ngõ. Trong lúc đang làm việc, ông Tài chạm phải dây điện bị hở nên bị điện giật. Nghe tiếng kêu cứu, ông Thịnh đứng gần đó cố gắng kéo ông Tài ra khỏi các dây điện nhưng không được.

Anh Nguyễn Văn Thư, nhà sát cây cột điện nơi ông Tài bị nạn, cho biết anh đã cùng ông Thịnh nhảy lên tường sát cột điện kéo ông Tài đến 4 lần, nhưng đều bất lực vì vướng dây an toàn ông Tài buộc vào cột điện. Trong những lần cố gắng giải cứu ông Tài, cả ông Thịnh và anh Thư đều bị điện nhiễm, rất may không bị thương tích lớn. Sau khi ngắt nguồn điện, ông Tài được đưa xuống đất sơ cứu nhưng đã tử vong. Sự chậm trễ trong hỗ trợ cắt điện khi gặp sự cố, có lẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến ông Tài tử vong.

Bước đầu, nhóm thợ điện làm cùng ông Tài xác nhận có thể trong quá trình cố gắng đưa thanh sắt bóng đèn vào cột điện, ông Tài cầm ống sắt đã đâm thủng vào lõi điện nên bị nhiễm điện ra ngoài. "Nếu ông ấy đi găng tay, bảo hộ… thì dù có chạm vào điện cũng không sao. Rõ ràng, quy trình về an toàn lao động đã bị Cty này coi thường (Cty HAPULICO)” - những người dân sống tại khu vực ông Tài gặp nạn, đặt nghi vấn.

Có thể xử lý hình sự

Trao đổi với PV về tai nạn xảy ra đối với ông Nguyễn Hữu Tài, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó TGĐ Cty HAPULICO cho biết, liên quan đến vụ tai nạn này, Cty đang phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của CATP, CA quận Hoàng Mai và Thanh tra Sở LĐ-TB&XH điều tra, giải quyết; bước đầu, Cty hỗ trợ để gia đình lo hậu sự cho nạn nhân.

Nói về công tác đảm bảo an toàn cho công nhân khi làm việc trong điều kiện nhiều nguy hiểm như trường hợp của ông Tài và trách nhiệm của những người đứng đầu trong vấn đề này, ông Tuấn cho hay, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo xí nghiệp nơi ông Tài công tác. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận "trách nhiệm chính vẫn thuộc về tôi. Tôi là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực này”. Nhưng ông Tuấn cáo bận, từ chối tiếp xúc với PV, và giới thiệu PV gặp GĐ xí nghiệp nơi nạn nhân công tác.

Theo thống kê thì tai nạn lao động chết người do điện chiếm 14% trong tất cả các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra. Nhưng chưa có thống kê nào cho thấy trách nhiệm của người liên quan đến những vụ tai nạn bị xử lý, truy tố.

Luật sư Lương Quang Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, "phải có người bị xử lý về những vụ tai nạn kể trên”. Luật sư Tuấn phân tích: Một khi sự cố, tai nạn, một sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra và gây hậu quả xấu, thì cách giải quyết tốt nhất là áp dụng các biện pháp chế tài pháp lý đối với tác giả của sự việc và buộc người này phải khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, liên quan đến vụ tai nạn vừa rồi, việc xác định và chế tài về mặt pháp lý những con người cụ thể ở những cương vị cụ thể còn đang trong giai đoạn điều tra nên chưa thể khẳng định rõ trách nhiệm thuộc về ai. "Song, đây không phải là lần đầu tiên một thiết bị công cộng bị khuyết tật và gây chết người trong quá trình người thợ tìm cách vận hành lại” - ông Tuấn nhận định.

"Chuyện đấu bóng đèn như anh Tài ở Cty HAPULICO, biến thành dây dẫn điện gây ra cái chết cho anh có thể chỉ do sơ suất bất chợt, tình cờ, rất cá biệt; nhưng không loại trừ khả năng đó là hệ quả tất yếu của thói làm ăn gian dối, cẩu thả và thái độ vô trách nhiệm” - ông nhấn mạnh.

Luật sư Tuấn cũng cho biết, theo hướng dẫn của Điều 13 Thông tư liên tịch số 12/2012, ngày 21-5-2012 của Liên Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế, về "trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động”, quy định: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lập Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động (TNLĐ).

Ngoài ra, Đoàn điều tra TNLĐ cấp cơ sở gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) Biên bản điều tra TNLĐ và Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra TNLĐ tới người bị TNLĐ hoặc thân nhân; Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, nơi cơ sở có người bị nạn đặt trụ sở chính… Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do TNLĐ gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong Biên Bản điều tra TNLĐ; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra TNLĐ.

Trao đổi với PV, đại diện Thanh tra Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, đơn vị này mới nắm thông tin sơ bộ, còn toàn bộ hồ sơ vụ việc vẫn nằm bên CA. "Sau khi điều tra ban đầu, CA có hồ sơ sơ bộ, sau này họ lấy ý kiến bên này thống nhất. Nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố, truy tố…” - vị đại diện Thanh tra nói.

Chia sẻ

Bài viết liên quan